HỮU ĐỨC (VIETNAM+)

Hai đêm nhạc kết thúc liên hoan âm nhạc Vietnam Connection 2016 ở Trung tâm biểu diễn Nhạc viện Hà Nội đã gói gọn những chuẩn mực và mới mẻ của nhạc cổ điển vào với nhau. Âm nhạc cổ điển mang nhiều màu sắc, ở nhiều giai đoạn đã lôi cuốn những người yêu âm nhạc Thủ đô tới thưởng thức.


Dòng chảy gần gũi

Trong đêm 13/8, người yêu nhạc Hà Nội được nghe những bản nhạc của nhà soạn nhạc lừng danh Johann Sebastian Bach. Với hàng ngàn bản concerto, cantat được viết vào thế kỷ XVIII, Bach đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền âm nhạc thời kỳ Baroque, bên cạnh đó tạo ảnh hưởng đối với âm nhạc của nhiều thế hệ sau.

Ba bản concerto đầu tiên trong số 5 bản concerto được trình diễn tại đêm nhạc đều tôn trọng di sản đó. Mỗi bản concerto đều đi theo một công thức: phần đầu nhanh, sống động, nối tiếp bởi phần thứ hai chậm rãi trước khi quay lại nhịp độ ban đầu ở phần ba. 

Về tổng thể, ba bản concerto cũng được sắp xếp theo thứ tự đó: bản concerto BMW 1048 (Concerto Brandenburg số 3, giọng Son trưởng) mở đầu, với âm hưởng vui tươi chiếm chủ đạo, tiếp theo là bản concerto BMW 1043 (Concerto song tấu violin, giọng Rê thứ) với màu sắc, không khí khác, để rồi quay lại bản concerto BMW 1049 (Concerto Brandenburg số 4, giọng Son trưởng) với âm điệu tươi sáng quay trở lại.

Hai bản concerto còn lại - BMW 1060 và BMW 1061 thể hiện cách tiếp cận gần gũi hơn. Thay vì giữ nguyên tinh thần gốc với hai chiếc đàn harpsichord, khán giả được nghe hai chiếc đàn piano với âm thanh trong trẻo, mượt mà hơn. Nhờ vậy, phần giai điệu chính (piano kết hợp với violin) trở nên thân thuộc hơn, chạm vào gu thẩm mỹ của số đông khán giả Thủ đô. 

Năm tiết mục concerto chưa thể nói được hết những gì mà Bach đã để lại cho nền âm nhạc toàn cầu tới tận ngày hôm nay, nếu biết được di sản đồ sộ của ông. Tuy vậy, phần thể hiện xuất sắc được đảm trách bởi những "bậc thầy" tới từ dàn nhạc Vietnam Virtuosi cùng những vị khách mời đã khiến dòng chảy âm nhạc Bach xuyên suốt đêm nhạc, không làm bất cứ vị khách nào cảm thấy nhàm chán bỏ về giữa chừng.

Bùng nổ đêm Gala

Nếu như đêm nhạc Bach giúp người nghe hiểu hơn về nhà soạn nhạc lỗi lạc người Đức thì đêm Gala nối tiếp, với chủ đề "Liên hoan của những ca khúc và điệu nhảy" là một bức tranh về nhạc cổ điển của thế kỷ XX, mang tới cho khán - thính giả những tác phẩm thuộc những trường phái mới. Đây cũng là những tác phẩm lần đầu được mang tới Việt Nam biểu diễn.

Khúc nhạc cổ điển đầu tiên, "Prelude & Scherzo for String Octet, Op. 11" của nhà soạn nhạc người Nga Dmitry Shostakovich mang sắc thái tân cổ điển khá rõ rệt. Không có kết cấu ba đoạn như Bach, khúc nhạc này thể hiện nỗ lực của tác giả nhằm mang lại những giá trị cổ điển, tối giản tính lãng mạn và chất giai điệu trong âm nhạc. Được sáng tác vào năm 1925,"Prelude Scherzo for String Octet, Op. 11" vẫn đủ sức truyền tải hình ảnh tới với những người nghe kỹ tính.

Khúc nhạc ngay sau đó - "Café Music" của nhà soạn nhạc Paul Schoenfield là sự kết hợp của nhạc cổ điển với chất jazz và âm hưởng dân gian Mỹ. Dài hơn 15 phút, "Café Music" gồm ba phần: phần đầu nhanh, đầy ngẫu hứng phần thứ hai chậm rãi, vừa phải; và phần ba kết thúc với nhịp điệu nhanh trở lại. Đây là một trong những khúc nhạc hiếm hoi được ghi nhận trong những năm gần đây, với tuổi đời còn khá trẻ (ra đời năm 1986).


Đêm Gala cũng mang đến cho khán giả Hà Nội những khoảnh khắc đặc biệt. Vợ chồng nghệ sỹ Bùi Công Duy - Nguyễn Trinh Hương mang đến đêm nhạc khúc nhạc "Wiener Tanzweisen" (Khúc khiêu vũ xứ Vienna) của nhà soạn nhạc người Áo Fritz Kreisler. Với hai phần, tương ứng với hai trạng thái khi yêu - buồn ("Liebesleid") và vui ("Liebesfreud") cặp đôi Bùi Công Duy - Nguyễn Trinh Hương đã kết hợp với nhau vô cùng ăn ý, cho thấy đẳng cấp của những nghệ sỹ chuyên nghiệp.

Điểm nhấn của chương trình nằm ở tiết mục cuối - "Capriol Suite" của nhà soạn nhạc người Anh Peter Warlock. Tổ khúc dành cho khiêu vũ này gồm 6 phần, đã từng được biểu diễn bởi dàn nhạc nhiều nước, và trong đêm Gala này 21 nghệ sỹ đã lần đầu mang những giai điệu này tới với Hà Nội. Sự hòa hợp trong âm hưởng của mỗi phần, và của các phần với nhau đã giúp cho tổ khúc nhận được sự vỗ tay nhiệt liệt của khán giả Thủ đô.

Bên cạnh đó, những bản nhạc của những nhà soạn nhạc tên tuổi khác như Johann Strauss II, P.I. Tchaikovsky,... cũng được lần đầu trình diễn trên sân khấu âm nhạc thính phòng Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Hai đêm nhạc cổ điển kết thúc Vietnam Connection 2016 có thể coi là thành công vượt ngoài phương diện nghệ thuật.

Nhiều khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau đã tới với đêm nhạc, qua đó có cơ hội tiếp xúc, thưởng thức với những tinh hoa của nhạc cổ điển ở những thời kỳ khác nhau.

Sức hút này là lời khẳng định việc duy trì tổ chức những liên hoan âm nhạc cổ điển sẽ góp phần tiệm cận và nâng cao văn hóa thưởng thức của người dân Thủ đô./.

HỮU ĐỨC

15/08/2016 11:48 GMT+7

http://www.vietnamplus.vn/vietnam-connection-gan-gui-voi-truyen-thong-bung-no-cung-duong-dai/401044.vnp