Honna Tetsuji học chỉ huy dàn nhạc với Carl August Bünte, Yamada Kazuo và Inoue Michiyoshi. Ông cũng là một thực tập sinh tại Dàn nhạc Hoàng gia Amsterdam Concertgebouw (1989 – 1991) và London Sinfonietta (1995 – 1996).

Maestro Honna từng là nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995 – 2001), chỉ huy chính của Dàn nhạc thính phòng Nhật Bản (1993 – 1997), chỉ huy khách mời thường xuyên của Dàn nhạc Nagoya Philharmonic (1998 – 2001) và là cố vấn âm nhạc kiêm nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (2001 – 2009). Từ năm 2009 đến nay, ông là Giám đốc Âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO).

Những giải thưởng và thành tựu quan trọng của Maestro Honna bao gồm: Giải nhì tại Cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Tokyo (1985), Giải Nhì tại Cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Toscanini ở Parma, Ý (1990), Giải nhất và Giải mang tên Bartok tại Cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Budapest (1992), Giải thưởng Muramatsu (1994), Giải thưởng Âm nhạc Nippon Steel dành cho Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất (1995), Giải thưởng nghệ thuật Osaka cho chuỗi chương trình bao gồm toàn bộ các tác phẩm giao hưởng của Franz Schubert (1997), Giải thưởng của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (2009), Giải thưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản (2011) và Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam (2012).

Năm 2000, nhạc trưởng Honna đã chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Nagoya Philharmonic trong chuyến lưu diễn "TOYOTA CLASSICS" đến 8 nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Ông cũng chỉ huy VNSO trong tour diễn đầu tiên đến Mỹ tại Nhà hát New York Carnegie Hall và Phòng hòa nhạc Boston Symphony (2011), tour diễn đầu tiên đến Ý tại Nhà hát La Fenice Venice, Nhà hát Teatro Maggio Florence và tại Capella Paolina trong Phủ tổng thống Italia (2013), cũng như lần đầu tiên đến Liên bang Nga tại Phòng Hòa nhạc Lớn của Nhạc viện mang tên Tchaikovsky, Matxcơva và Phòng Hòa nhạc Lớn tại St. Petersburg Philharmonia (2014).

Maestro Honna đã chỉ huy hầu hết các dàn nhạc lớn ở Nhật Bản và nhiều dàn nhạc trên toàn thế giới bao gồm Philharmonica della Scala ở Milano, Dàn nhạc Sinfonica dell'Emilia – Romagna Arturo Toscanini, Dàn nhạc Mozarteum Salzburg, Philharmonia London, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Hungary, Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh Hungary, Budapest Philharmonic, Zagreb Philharmonic, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Brno, Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh Prague, Dàn nhạc giao hưởng Slovenia, Dàn nhạc Rumani, Dàn nhạc giao hưởng Malaysia, Dàn nhạc giao hưởng Thượng Hải, Dàn nhạc giao hưởng Schenzen và Dàn nhạc giao hưởng Philippine. Ông đã được mời tham gia nhiều Liên hoan Âm nhạc quốc tế bao gồm Carinthischer Sommer và Liên hoan Âm nhạc mùa xuân Salzburg ở Áo, Liên hoan Âm nhạc Bartók ở Hungary, Liên hoan Âm nhạc Mozart ở Tokyo, Liên hoan Âm nhạc mùa thu Seoul, Liên hoan Âm nhạc Châu Á Tokyo, Liên hoan Âm nhạc Oulunsalo ở Phần Lan, Liên hoan Âm nhạc mùa hè Suntory, Liên hoan Âm nhạc Ditto ở Seoul, Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Karuizawa ”La Folle Journee au Japon” và Liên hoan Âm nhạc Đương đại Milano Musica tại Teatro alla Scala.

Ông đã làm việc với các nghệ sĩ độc tấu hàng đầu thế giới như Martha Argerich, Elisabeth Leonskaja, Cyprien Katsaris, Peter Resel, Đặng Thái Sơn, Philippe Entremont, Cecil Licad, Reiner Honek, Christian Tezlaff, Igor Oistrach, Maximillian Hornung, Dieter Flury, Stefan Shilli, Alessandro Carbonare, Wolfgang Tomböck và Premysl Vojta.

Maestro Honna đã chỉ đạo nhiều vở opera của Mozart và các tác phẩm hiện đại như "Chung Hyang" của Takagi Toroku, "Orpheo of Hiroshima" của Akutagawa Yasushi, "Momo" của Ichiyanagi Toshi và "Satyricon" của Bruno Madera. Tại Việt Nam, ông đã thực hiện các tác phẩm opera “Cô Sao” của Đỗ Nhuận và “Lá Đỏ” (công diễn lần đầu tiên) của Đỗ Hồng Quân, “Yuzuru” của Dan Ikuma, “Bamboo Princess” của Numajiri Ryusuke, các tác phẩm ballet ”Firebird” của Igor Stravinsky và "Spider's Thread" của Akutagawa Yasushi với VNSO và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Quốc gia Việt Nam.

Maestro Honna đã thu âm nhiều đĩa CD với Dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản, Dàn nhạc giao hưởng mới của Nhật Bản, Dàn nhạc giao hưởng Tokyo Metropolitan, Dàn nhạc La Tempesta Chamber Orchestra (Phần Lan), Dàn nhạc Nipponica và Dàn nhạc giao hưởng Slovenia.